Nguyễn Tấn Dũng

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng là ai?

Quy hoạch tổng thể phát triển KT- XH vùng Đông Nam Bộ

 

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt với mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân thời kỳ 2011-2020 đạt 9,5%-10%/năm. Đến năm 2015, GDP bình quân đầu người đạt tương đương 4.600 USD và năm 2020 đạt 6.400 USD.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển KT- XH vùng Đông Nam Bộ

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển KT- XH vùng Đông Nam Bộ

Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm 97-98% trong tổng số GDP của vùng năm 2020, trong đó dịch vụ chiếm trên 44%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Tốc độ đổi mới công nghệ đạt bình quân 20-25%/năm; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 90% vào năm 2020. Hình thành các trung tâm dịch vụ sản xuất và xã hội chất lượng cao, đạt trình độ quốc tế và khu vực Đông Nam Á.

Ưu tiên phát triển nhanh các ngành công nghiệp công nghệ cao

Theo Quy hoạch, sẽ ưu tiên phát triển nhanh các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và tạo nhiều giá trị gia tăng. Phát triển công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin trở thành ngành mũi nhọn. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh phát triển một số ngành công nghiệp chủ lực như: Khai thác dầu khí, điện tử và sản xuất phần mềm; cơ khí chế tạo, sản xuất điện, phân bón, hóa chất từ dầu khí; công nghiệp vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm, thủy sản, công nghiệp thực phẩm…

Hình thành vành đai công nghiệp – đô thị vùng, hạn chế phát triển thêm các khu công nghiệp trong khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào để phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp-dịch vụ và dô thị theo mô hình đô thị công nghệ cao tại Long Thành, thành phố mới Phú Mỹ, khu liên hợp công nghiệp – dịch vụ – đô thị Bình Dương.

Bên cạnh đó, xây dựng vùng Đông Nam Bộ trở thành trung tâm dịch vụ tầm cỡ khu vực Đông Nam Á. Tập trung phát triển toàn diện các ngành dịch vụ chất lượng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; thương mại và phân phối; vận tải và kho vận quốc tế; công nghệ thông tin và truyền thông. Hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại hiện đại, đồng bộ, hợp lý để phát triển dịch vụ phân phối, bao gồm mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, kho bãi…

Hình thành cơ cấu đa trung tâm, giảm áp lực cho khu vực trung tâm thành phố Hồ Chí Minh

Theo Quy hoạch, sẽ xây dựng thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm động lực của vùng; đầu mối của hợp tác liên vùng và quốc tế; trung tâm kinh tế, thương mại, dịch vụ, giáo dục-đào tạo và khoa học – công nghệ của vùng và cả nước. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp, ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, tạo nhiều giá trị gia tăng và các ngành công nghiệp hiện đại, có hàm lượng công nghệ cao.

Khu vực 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu là địa bàn phát triển năng động của vùng, chú trọng nâng cao sức cạnh tranh công nghiệp, phát triển dịch vụ đồng bộ phục vụ tốt cho các ngành công nghiệp chủ lực và mũi nhọn, nhanh chóng gia tăng hàm lượng công nghệ, lao động kỹ thuật trong các ngành kinh tế, đồng thời hỗ trợ phát triển cho khu vực các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước.

Khu vực 2 tỉnh Tây Ninh và Bình Phước phát triển theo hướng đón đầu quá trình chuyển dịch công nghiệp từ các địa phương khác đồng thời khai thác lợi thế các khu vực kinh tế cửa khẩu.

Về phát triển và phân bố hệ thống đô thị, sẽ hình thành cơ cấu đa trung tâm nhằm tạo động lực để phát triển các vùng ngoại vi xung quanh, đồng thời giảm áp lực cho khu vực trung tâm thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, sẽ phát triển các đô thị Vũng Tàu, Biên Hòa, Thủ Dầu Một trở thành đô thị loại I và đóng vai trò là các cực phát triển trong hệ thống đô thị của vùng. Đồng thời, phát triển các đô thị vệ tinh của thành phố Hồ Chí Minh như Nhơn Trạch, Long Thành, Tam Phước, Hiệp Phước, Củ Chi, Trảng Bom, An Lạc, Nhà Bè, Cần Giờ, Dĩ An – Thuận An. Phát triển các hành lang đô thị hóa từ thành phố Hồ Chí Minh gắn với các trục quốc lộ 1A, 51, 22 và 13.

 

 

 

 

Vạch mặt “Quan Làm Báo”

Phạm Thị Hoài (Blog Pro&Contra)

Ngay trước Ngày Báo chí Cách mạng, khi làng báo Việt Nam còn bận rộn lườm nguýt nhau “anh lá cải, tôi lá cải, chúng ta không lá cải”, một thành viên mới bất ngờ xuất hiện: blog Quan Làm báo. Như một vế đối phụ họa hơn là chọi lại Dân Làm báo, một diễn đàn đối lập với truyền thông nhà nước, theo phương châm “Mỗi người chúng ta là một chiến sĩ thông tin”, Quan Làm Báo chưa treo biển “Mỗi đày tớ của nhân dân là một sĩ quan thông tin”, song nó đang gây chú ý tột độ. Kể từ ngày 29.5.2012, chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng hiện diện, nó đã đứng ở vị trí 569 trong bảng xếp hạng truy cập tại Việt Nam [1] và nhiều ngày đã lọt vào top 50.000 trên toàn thế giới, một kỉ lục hiếm thấy trong khu vực mạng tiếng Việt.

Điều gì đang diễn ra ở đây?

Quan Làm báo không phải là một vật thể lạ. Nó kết hợp mọi đặc điểm quen thuộc của đa số báo chí Việt Nam và đưa chúng lên đỉnh cao: hình thức hàng chợ, phong cách bát nháo, nghiệp vụ thô sơ và nội dung đáng ngờ. Xấu. Huếnh. Rởm. Cẩu thả. Rẻ tiền.

Hình ảnh banner xông pha và gào thét của tranh cổ động cách mạng

Hình ảnh banner xông pha và gào thét của tranh cổ động cách mạng

Không có gì ở đây không khiến tôi dị ứng: Từ bức banner đúng dòng thẩm mĩ xông pha và gào thét của tranh cổ động cách mạng [2] đến những phông chữ, co chữ và mầu sắc tung tóe [3]; từ những lỗi chính tả thản nhiên như cảnh sát giao thông ăn mãi lộ đến những hàng tít quát tháo; từ trình độ ngôn ngữ của những bài viết như thể tác giả vừa qua bình dân học vụ đến cung cách lập luận theo tinh thần hệ chuyên tu của Trường Đảng cao cấp… Nhưng những điều kể trên đều trở nên mờ nhạt trước sáng kiến truyền thông kinh hoàng của blog này: Tiêu diệt phương châm cốt tử của báo chí – tính khả tín của thông tin. Chưa nói đến chuẩn mực của báo chí chất lượng trong một nền báo chí tự do, rằng một thông tin chỉ có giá trị thông tin khi nó được xác nhận từ ít nhất hai nguồn độc lập nhau, Quan Làm báo loại trừ ý niệm nguồn thông tin khỏi hoạt động truyền thông. Nó không cung cấp thông tin mà truyền bá tin đồn. Những tin đồn hoàn toàn nặc danh, không thể kiểm chứng, không ai chịu trách nhiệm, thả nổi cho mọi phỏng đoán và suy diễn, được tung ra vô tội vạ bởi một chủ blog giấu mặt, đến nay không ai rõ là một người hay một nhóm người [4].

Song chính cái sáng kiến quái thai này lại là công cụ không thể thích hợp hơn để Quan Làm báo thực hiện cuộc tấn công ào ạt của mình vào một mục tiêu nổi bật: không phải bản thân chế độ và hệ thống hiện hành, không, mà chỉ riêng nhân vật được coi là giầu quyền lực nhất trong bộ máy chính quyền Việt Nam hiện tại, người đứng đầu chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và những nhóm được coi là nhóm lợi ích vây quanh ông, gồm cả con gái, con trai, gia đình vợ ông và những nhân vật đầy quyền hành khác trong các ngành công an, quân đội, tư pháp, các tập đoàn kinh tế chủ lực và đặc biệt là ngân hàng-tài chính… Trong cái tiệm thông tin sặc mùi đảo chính này, nơi kết tinh hai phẩm chất hàng đầu của chính báo chí nhà nước, lá cải và tuyên truyền, khách ghé thăm được thết những món lạ lùng sửng sốt mà cả đời mình chưa bao giờ hình dung là sẽ có ngày được thưởng thức. Triều đình cộng sản luôn là cái nồi chõ bịt kín, chỗ này trong nồi không biết chỗ kia sôi đến đâu, nên nghe hơi nồi chõ trở thành tập quán thông tin máu thịt, không chỉ của dân thường. Nhưng những chuyện ở kích thước như kế hoạch ám sát Chủ tịch nước, gia đình Thủ tướng chuẩn bị trốn chạy, con rể Thủ tướng bỏ của chạy lấy người, cuộc hôn nhân ma quỷ giữa tập đoàn quyền lực chính trị với các “sói Nga”, các bố già mafia, những vụ đi đêm quyền lợi khuynh đảo cả hệ thống quốc phòng và an ninh quốc gia… trên Quan Làm báo, dù thông điệp thường đầu voi mà nội dung đuôi chuột, gây ấn tượng rằng những thông tin ấy phải do người trong cuộc cung cấp, phải đúng không nhiều thì ít. Một lúc nào đó, câu hỏi đặt ra cho người đọc không phải là về tính xác thực của những thông tin ấy nữa [5], mà ai đứng đằng sau chúng, ai là kẻ giật dây. [6]

Ai? Bất luận đó là ai, hiện tượng Quan Làm báo không phải là một dấu hiệu lành mạnh cho tự do báo chí tại Việt Nam. Sự “thành công” dễ dàng và dễ dãi của trang tin này chỉ cho thấy một điều: người tiêu thụ thông tin đổ xô ra chợ giời và chấp nhận tất cả nguy cơ bị lừa ở đó, khi hệ thống mậu dịch quốc doanh không làm họ thỏa mãn, và nhất là khi thông tin quốc doanh lại chẳng kém đáng ngờ. [7] Chợ đen, chợ giời, chợ đuổi không thể là giải pháp mà báo chí Việt Nam khao khát. Sự tồn tại của chúng chỉ là câu trả lời đáng buồn của Việt Nam cho thời đại thông tin này.

Bất luận đó là ai, tôi không tin rằng một hay một nhóm kẻ giấu mặt có thể tác động tích cực đến một xã hội đầy ràng buộc và dường như bất lực trong những ràng buộc đó, như xã hội Việt Nam trong thời đại này. Để tác động tiêu cực thì giấu mặt dĩ nhiên là thượng sách.

Quan Làm báo từng trưng khẩu hiệu “Nhân dân Việt Nam muôn năm” trước khi thay bằng “Còn cái lai quần cũng chống tham nhũng” hiện tại. Tôi hơi ngạc nhiên. Lẽ ra khẩu hiệu của nó phải là “Vì đầy tớ của nhân dân phục vụ” mới hợp lý. Người dân được gì, khi quan này muốn tắm máu quan kia? Quan oan có thể là một tầng lớp xã hội thú vị đang hình thành, song nó có gì chung với dân oan?

Chú thích:

[1] Theo Alexa ngày 23.7.2012. Để so sánh, vị trí tại Việt Nam của Tia sáng: 6037, Boxitvn: 5643, Nguyễn Xuân Diện: 2930, Tuần Việt Nam: 2599, Nhân dân: 2580, Quê Choa: 1647, Trương Duy Nhất: 1356, Anh Ba Sàm: 1079, Quân đội Nhân dân: 845, Công an Nhân dân 400, Tuổi trẻ: 23, VnExpress: 5.

[2] Có thể tham khảo tranh cổ động cách mạng cũng được dùng làm banner trên blog của cây bút chống phản động và diễn biến hòa bình trên báo Quân đội Nhân dân, thiếu tá Nguyễn Văn Minh.

[3] Cách đây không lâu, nền giao diện của Quan Làm báo được trang trí bằng những mầu loang lổ, theo phong cách mà tôi tạm gọi là “phồn thực xã hội chủ nghĩa”. Về phong cách này, xin trở lại trong một dịp khác.

[4] Một nhà báo được coi là có nhiều liên lạc với giới an ninh Việt Nam, bà Hồ Thu Hồng, vừa tiết lộ trên blog của mình rằng người “sản xuất nội dung trang Quan Làm báo” là ông Phạm Chí Dũng, người vừa bị bắt ngày 17.07.2012 vì “hành vi câu kết với một số tổ chức phản động lưu vong ở Mỹ, biên soạn nhiều tài liệu có nội dung bịa đặt, xuyên tạc, phá hoại nội bộ nhằm lật đổ chính quyền nhân dân“. Song chất lượng thảm hại của các bài viết trên Quan Làm báo cho thấy nó không thể là sản phẩm từ ngòi bút của chính ông Phạm Chí Dũng ấy, một nhà văn và nhà nghiên cứu với nhiều tác phẩm đã xuất bản, và đồng thời lại là tác giả có bút danh Viết Lê Quân trên các báo Doanh nhân Sài Gòn, Tuần Việt Nam, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam và Tầm nhìn (việc trang báo có tiếng là cởi mở này bị đình bản gần như ngay sau khi ông Phạm Chí Dũng bị bắt có phải là ngẫu nhiên không?), với nhiều bài chính luận vượt hẳn lên phong cảnh bằng phẳng của báo chí Việt Nam hiện tại.

[5] Tuy nghiệp vụ báo chí của Quan Làm báo hết sức thô sơ, nhưng sự láu cá của nó lại thuần thục. Nó biết trộn tài tình những thông tin nặc danh vào những thông tin đăng lại từ báo chí chính thống để đánh bạt sự bán tín bán nghi của người đọc và củng cố những phỏng đoán theo chiều hướng mà nó muốn đạt được. Hiện nay, đó là phỏng đoán về một cuộc thanh trừng nội bộ trên tầng cao nhất của bộ máy quyền lực Việt Nam, giữa “phe tham nhũng” mà Quan Làm báo chỉ mặt gọi tên, và “phe chỉnh đốn” được nó quan tâm lo lắng.

[6] Ở điểm này và với Quan Làm báo, có vẻ như Việt Nam cũng đang dần tiến vào giai đoạn các tập đoàn quyền lực thuộc giới đầu sỏ kinh tế-chính trị lũng đoạn truyền thông như tại Nga hiện thời.

[7] Trong một bài viết gần đây trên blog của mình, ông Alan Phan, một chuyên gia độc lập về kinh tế tài chính, cho biết ông “có cảm giác là các quan chức và chuyên gia Việt Nam cố tình đưa ra những con số rất đối nghịch với mục đích làm rối mù thực tại, khiến không ai có thể rút ra một kết luận chính xác hay hợp lý“, trong khi những tin đồn trên mạng thì không được xác nhận hay bác bỏ thẳng thắn.

Nguồn: Website Nguyễn Tấn Dũng

Đưa quan hệ Việt Nam – Campuchia phát triển mạnh

Chiều 23/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Phó Thủ tướng Thường trực Vương quốc Campuchia Men Sam An đang thăm làm việc tại Việt Nam.

Hoan nghênh Phó Thủ tướng Men Sam An sang thăm làm việc tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Việt Nam đặc biệt coi trọng cùng với phía Campuchia, nỗ lực phấn đấu, đưa quan hệ hai nước từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, an ninh quốc phòng, văn hóa… phát triển tốt đẹp, mang lại lợi ích thiết thực cho hai đất nước, hai dân tộc.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Campuchia Men Sam An. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Campuchia Men Sam An. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Với tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao chuyến thăm làm việc của Phó Thủ tướng Men Sam An với Thanh tra Chính phủ, cho rằng đây là đóng góp thiết thực trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước.

Chúc mừng những thành tựu mà Campuchia đã đạt được trong thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị, hai bên tiếp tục phối hợp làm tốt kỷ niệm năm hữu nghị Việt Nam-Campuchia, triển khai có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác giữa hai nước… Việt Nam luôn là người bạn láng giềng tin cậy, thủy chung của Campuchia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.

Phó Thủ tướng Men Sam An cho biết mục đích chuyến thăm là tăng cường hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực thanh tra nhằm trao đổi kinh nghiệm hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực này.

Bà Men Sam An mong muốn Campuchia tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam trong công tác phòng chống tham nhũng, tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo…

Phó Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường tăng cường công tác tuyên truyền về tình hữu nghị hợp tác tốt đẹp giữa hai nước, ngăn chặn dư luận chia rẽ đoàn kết giữa hai dân tộc, hai đất nước.

Thiện Thuật

Nói hay như thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

– “Đừng để lương công chức cả đời không mua được nhà” : Đó là một trong những chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, khi ông phát biểu tại hội nghị tổng kết chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, tại Bắc Ninh, hôm 19-7.

Thủ tướng nói: “Đừng để tình trạng lương công chức làm cả đời không mua được căn hộ để ở. Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ để người thu nhập thấp (thu nhập thấp) có thể mua được nhà. Chính phủ đã giao Bộ Tài chính tính toán, trích tỷ lệ phần trăm cố định từ nguồn tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất hàng năm của các địa phương để hỗ trợ làm nhà ở thu nhập thấp. Tôi rất mừng, tuần tới Bộ Xây dựng ký kết hợp tác chương trình xây nhà ở xã hội với Hà Nội và TP HCM”.

Quay sang Thứ trưởng Bộ XD Nguyễn Trần Nam, Thủ tướng nói: “Ông Nam làm sao để kéo giá căn hộ nhà thu nhập thấp xuống, khoảng 3-4 triệu đồng/m2. Như vậy, một căn hộ nhà thu nhập thấp khoảng 150-200 triệu đồng. Số tiền đó thì nhiều công chức, người thu nhập thấp mua được”.

Thủ tướng cũng đồng ý triển khai tiếp giai đoạn 2 chương trình nhà ở cho người nghèo ở nông thôn, miền núi theo Quyết định 167. Đồng thời Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh, thành phải đưa chương trình xây dựng nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm. “Tới đây sẽ tiếp tục thực hiện chương trình nhà ở cho đối tượng là gia đình có công. Có chính sách nhà ở cho sĩ quan công an, quân đội và tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 phát triển nhà ở vượt lũ tại đồng bằng sông Cửu Long”, Thủ tướng nói.

Theo Bộ trưởng XD Trịnh Đình Dũng, sau hơn ba năm thực hiện quyết định 167 của Thủ tướng (2008-2012), các địa phương đã hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho 507.143 hộ nghèo, vượt kế hoạch 102,2%.

Tổng số tiền đã giải ngân cho chương trình 12.653 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 4.254 tỷ đồng, ngân sách địa phương 723 tỷ và vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội 3.584 tỷ đồng. Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ XD Nguyễn Trần Nam, đây được coi là chương trình “sạch”, thành công lớn. Không phát hiện trường hợp nào tiêu cực hay bị khiếu kiện.

Theo quyết định 167, nhà nước trực tiếp hỗ trợ mỗi hộ nghèo từ 7,2-8,4 triệu đồng; và được Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) cho vay 8 triệu đồng, lãi suất 3%/năm, để làm nhà ở.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, giai đoạn 2 chương trình 167 sẽ thực hiện từ 2013-2015, mục tiêu sẽ hỗ trợ nhà ở cho khoảng 500 ngàn hộ nghèo (theo chuẩn mới). Mức hỗ trợ từ ngân sách được Bộ XD dự kiến nâng lên 14-15 triệu đồng/hộ; cộng với Ngân hàng CSXH cho vay tối đa 13 triệu đồng/hộ, lãi suất 3%.

Bà Nguyễn Thanh Phượng: Hội nghị sơ kết 06 tháng đầu năm 2012

(Websiste Nguyễn Thanh Phượng) – Ngày 14/07/2012, Ngân hàng TMCP Bản Việt – Viet Capital Bank tổ chức hội nghị sơ kết 06 tháng đầu năm và triển khai phương hướng nhiệm vụ trọng tâm công tác 06 tháng cuối năm 2012. 

Nguyễn Thanh Phượng đã đến tham dự và phát biểu tại hội nghị.

Sáu tháng đầu năm 2012 đã đi qua với không ít khó khăn chung của nền kinh tế, và tác động không nhỏ đến ngành ngân hàng, tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Hội đồng Quản trị, Ban Điều hành và sự nỗ lực, cống hiến hết mình của tập thể CBNV, Ngân hàng Bản Việt đã từng bước vượt qua khó khăn và thực hiện có kết quả các mục tiêu kế hoạch đề ra, thiết lập được những nền tảng cơ bản cho sự phát triển bền vững: triển khai sâu rộng Dự án Chiến lược phát triển trên tất cả các lĩnh vực; tuyển dụng và đào tạo được đội ngũ lãnh đạo, cán bộ quản lý đảm bảo cho nhu cầu phát triển; triển khai thành công hàng loạt các dự án về công nghệ, rủi ro, phát triển mạng lưới, quản lý vốn tập trung, phân bổ thu nhập, chi phí, v.v…

Bà Nguyễn Thanh Phượng tham dự hội nghị sơ kết 06 tháng đầu năm 2012

Bà Nguyễn Thanh Phượng tham dự hội nghị sơ kết 06 tháng đầu năm 2012

Tại hội nghị, Ông Phạm Anh Tú – Phó Tổng Giám Đốc đã báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh 06 tháng đầu năm 2012, đồng thời cũng ghi nhận kết quả một số công tác trọng tâm khác: cơ bản hoàn thành việc tái cấu trúc bộ máy họat động theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa theo chuẩn mực ngân hàng tiên tiến, hoàn thành giai đoạn 1 việc chuẩn hóa bộ mặt công sở, triển khai áp dụng hệ thống lương thưởng mới; đặt trọng tâm cho công tác quản lý rủi ro; giảm dư nợ tín dụng phi sản xuất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; đưa vào triển khai hoạt động hệ thống thẻ ATM mới; triển khai dịch vụ Mobile banking và Internet banking cho khách hàng cá nhân, v.v…

Cũng trong dịp này, HĐQT và Ban Điều hành cùng các trưởng đơn vị phòng ban trực thuộc trên toàn hệ thống đã có buổi tọa đàm lắng nghe chia sẻ và đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm thực hiện thành công kế hoạch năm 2012, hướng tới mục tiêu đưa Ngân hàng Bản Việt đứng trong nhóm các Ngân hàng thương mại hoạt động hiệu quả tại Việt Nam.

Ngoài ra, để ghi nhận những đóng góp tích cực của các CBNV cho sự phát triển của Ngân hàng trong thời gian qua, tại Hội nghị lần này, Ban lãnh đạo đã tuyên dương, khen thưởng cho các tập thể và cá nhân xuất sắc nhất trên toàn hệ thống.

Hội nghị đã khép lại với sự quyết tâm cao của HĐQT, Ban Điều Hành và Ban Lãnh đạo cùng toàn thể CBNV trong nỗ lực đưa Ngân hàng Bản Việt ngày càng phát triển và mang đến những giải pháp tài chính ưu việt, đáp ứng tối ưu nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Giá nhà thu nhập thấp chỉ nên 2-4 triệu đồng mỗi m2

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho người thu nhập thấp mua được nhà, trong đó quan trọng nhất là cơ chế và nguồn cung.

Sáng 19-7,  Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị toàn quốc tổng kết chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ- TTG của Thủ tướng Chính phủ Tại Trung tâm văn hoá Kinh Bắc (tỉnh Bắc Ninh).

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, đến nay số vốn huy động xây nhà cho người nghèo đạt 12.653 tỷ đồng. Trong đó, vốn từ ngân sách trung ương chiếm 33%, ngân sách địa phương 6%, từ ngân hàng chính sách xã hội 28% và các nguồn khác hơn 4.000 tỷ đồng chiếm 33%. Tổng số vốn đã giải ngân, theo Bộ trưởng, là gần 12.000 tỷ đồng, số còn lại sẽ giải ngân tiếp trong năm nay. Hầu hết các căn nhà đều vượt diện tích và chất lượng quy định, rộng 28-60 m2. Các căn nhà có khung bê tông cốt thép, tường xây gạch, giá thành đa số ở mức 25-28 triệu đồng mỗi căn, một số cao hơn khoảng 50-60 triệu đồng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao bằng khen cho Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đọc

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao bằng khen cho Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đọc

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, bên cạnh nhà cho người nghèo, nhà cho người có công với cách mạng, cần đặc biệt quan tâm tới nhà thu nhập thấp ở các đô thị. Thủ tướng yêu cầu đưa ra các cơ chế chính sách để người lao động mua được dưới hình thức trả góp, bởi thực tế những người thu nhập thấp không thể mua căn hộ với giá như hiện nay.

Dự án nhà thu nhập thấp đầu tiên được mở bán tại Hà Nội vào tháng 9/2010, với mức giá gần 9 triệu đồng mỗi mét vuông, diện tích 60-80 m2. Nhiều nhà đầu tư sau đó đã tham gia phát triển loại nhà ở này, tuy nhiên gần đây phần lớn đều kêu khó vì thiếu vốn và khó thu lợi nhuận. Trong khi đó, nhà thu nhập thấp từ chỗ chen nhau mua, nay đang vấp phải nỗi lo ế hàng vì giá cao. Hà Nội hiện có trên dưới 10 dự án nhà thu nhập thấp, giá dao động trên dưới 10 triệu mỗi mét vuông.

Thủ tướng nhấn mạnh, không có cách nào khác ngoài việc Nhà nước can thiệp thông qua chính sách tạo ra nhà để người thu nhập thấp có thể mua được.

“Mỗi năm chúng ta thể trích một phần từ tiền sử dụng đất để phát triển nhà ở xã hội, lo cho người dân. Nếu nhà ở nông thôn là một triệu đồng một m2 thì nhà ở đô thị khoảng 2-4 triệu đồng, như vậy mỗi căn hộ chỉ khoảng 150-200 triệu đồng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

10 năm qua, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, diện tích nhà ở trên đầu người vẫn tăng gấp đôi, lên gần 20 m2 mỗi người vào cuối năm 2011. Cả nước có 85% hộ dân có nhà ở từ bán kiên cố đến kiên cố. Hơn 500.000 hộ nghèo đã được ưu tiên hỗ trợ nhà ở. Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đây là thành công, không chỉ dừng lại ở con số mà thể hiện tinh thần đoàn kết, thương yêu nhau.

“Tôi biết có những gia đình 5-6 người mà chỉ có 6m2 thì đời sống hình dung khó khăn thế nào”, Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng cũng khẳng định: “Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Nhà nước cắt giảm đầu tư công để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nhưng các chương trình an sinh xã hội vẫn đảm bảo”.

Nguồn: Website Nguyễn Tấn Dũng

Nguyễn Tấn Dũng: Thân thế và Sự nghiệp

Bạn hãy nhìn vào con đường của Tổng thống da màu đầu tiên nước Mỹ, Barack Obama sẽ thấm thía cái nghiệt ngã của người làm lãnh đạo. Khởi đầu con đường là hoa hồng và những lời tụng ca, như biểu tượng của sự đổi thay, trong kì vọng lớn lao của dân chúng. Rồi 2 năm qua đi, xưng tụng biến mất, đối diện với những chỉ trích gắt gao thậm chí cay nghiệt của dư luận, sự quay lưng của không ít những người mới đây thôi không tiếc lời ủng hộ, ngợi ca mình.

Bởi chính sách không phải lúc nào cũng đúng, lại càng không thể thoả mãn được lợi ích của tất cả. Chưa kể, trên con đường dài thăm thẳm của quyền lực và trách nhiệm, không gì đảm bảo người lãnh đạo không sai lầm. Nhưng cũng chính ở đây, mà bản lĩnh “chính khách” mới thực sự được trải nghiệm thử thách. Ai cũng có thể mắc sai lầm, nhưng điều quan trọng là người đó có đủ can đảm đối diện với sai lầm, đối mặt với chỉ trích và có hành động sửa chữa sai lầm đó hay không? Cũng như cách mà người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đối mặt không né tránh trước những câu hỏi hóc búa, dồn dập về trách nhiệm cá nhân trong phiên chất vấn Quốc hội cuối cùng.

Bằng lòng khát khao, tâm huyết với đất nước, bằng trí tuệ và bản lĩnh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tạo nên những dấu ấn đáng nhớ trong nhiệm kỳ của mình. Không đủ sức để giới thiệu đầy đủ chi tiết nhưng với các thông tin dưới đây sẽ là những nét chấm phá, để nhìn vào đó, thấy được hình ảnh một đất nước, một dân tộc không ngừng nỗ lực vươn lên trong suốt một năm đầy sóng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng

Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng sinh ra trong một gia đình cán bộ kháng chiến, quê ở Cà Mau, tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm và được bầu làm Thủ tướng Chính phủ lúc 57 tuổi, trở thành vị Thủ tướng trẻ tuổi nhất trong vòng 20 năm qua sau khi đã đảm nhiệm chức vụ Phó thủ tướng thường trực một thời gian dài, phụ trách nhiều lĩnh vực quan trọng.
Sự nghiệp của Nguyễn Tấn Dũng trải qua nhiều giai đoạn và ở giai đoạn nào ông cũng tạo nên những dấu ấn đáng nhớ trong lĩnh vực của mình

Mốc thời gian: Những sự kiện quan trọng trong cuộc đời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham gia quân đội từ rất sớm và chiến đấu tại vùng Cà Mau – Kiên Giang.

Năm 1981: Ông phục viên và tham gia công tác tại tỉnh Kiên Giang, lần lượt giữ các chức vụ Chủ tịch UBND, Bí thư Tỉnh ủy.

Năm 1995: Ông nhận nhiệm vụ tại trung ương với các chức vụ Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Kinh tế trung ương.

Năm 1997: Ông được Quốc hội thông qua chức Phó thủ tướng và sau đó được phân công làm Phó thủ tướng thường trực. Năm 1998 ông kiêm nhiệm thêm vị trí Thống đốc Ngân hàng.

Tháng 6/2006: Ông trở thành Thủ tướng trẻ nhất Việt Nam kể từ năm 1975.

Tháng 5/2007: một năm sau khi nhậm chức, ông được tạp chí World Business bình chọn là một trong 20 nhân vật cải cách của châu Á.

Nguyễn Tấn Dũng – Con người của đổi mới và hội nhập

Năm tháng sau khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để lại dấu ấn đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình với thành công của hội nghị APEC.

2008 – 2009: Trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và sau đó là thành viên luân phiên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Cuộc Khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, khi lạm phát cả năm của Việt Nam lên cao, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thông qua gói kích cầu, theo Ngân hàng Phát triển châu Á nhận định thì gói kích cầu của Chính phủ đã có tác dụng tốt và kinh tế Việt Nam quý IV năm 2009 được đánh giá là hồi phục và tăng tốc.

Tuy nhiên, sang năm 2010, gói kích cầu đã bộc lộ nhược điểm: bội chi ngân sách đến mức báo động, dự trữ ngoại hối quá thấp, bất ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này dẫn tới lạm phát tăng cao, các chính sách thắt chặt tiền tệ ngay sau đó gây khó khăn kinh tế. IMF và WB phải đề nghị Việt Nam thay đổi chính sách kinh tế vĩ mô.

2010: Đại sứ Mỹ Michael Michalak nhắc tới vai trò của Việt Nam trong ASEAN với điểm nhấn năm ASEAN 2010. “Chúng tôi rất hài lòng về những nỗ lực, hoạt động của Việt Nam”, ông nói và không quên nhắc tới một người: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã thể hiện sự chủ động dẫn dắt các tiến trình hợp tác khu vực, đưa ASEAN trở thành một điểm sáng của khu vực Đông Á. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ghi dấu ấn đậm nét khi điều hành thành công Hội nghị cấp cao ASEAN và Hội nghị cấp cao Đông Á cuối tháng 10. “Vai trò lãnh đạo ASEAN của Việt Nam là bài học cho tất cả”.

2011 đến nay: Hàng loạt cuộc tiếp xúc song phương của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với lãnh đạo cường quốc (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản…) đã mở ra những cơ hội hợp tác kinh tế mới cho Việt Nam, trên cơ sở lòng tin và cùng có lợi. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev khẳng định: “Việt Nam là đối tác trọng điểm của Nga ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.

Trong lĩnh vực kinh tế, khi các nền kinh tế dẫn dắt thế giới như: Mỹ, Nhật Bản, châu Âu chưa thoát hoàn toàn khỏi suy thoái, thì Việt Nam – một nước vốn lệ thuộc nhiều vào xuất khẩu, lại nhanh chóng vượt qua khủng hoảng, hồi phục và bứt phá để đạt tốc độ tăng trưởng cao. Đây là những thành công đặc biệt quan trọng trong nhiệm kỳ của Chính phủ với sự điều hành của người đứng đầu Nguyễn Tấn Dũng.

Tuyên bố đáng chú ý của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

-”Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hành dân chủ rộng rãi, nhất là dân chủ trực tiếp, xây dựng xã hội đồng thuận, cởi mở.”

-”Tăng trưởng kinh tế phải gắn chặt với bảo vệ và cải thiện môi trường.”

-“Là người đứng đầu, Tôi nhận trách nhiệm chính trị với tư cách người đứng đầu Chính phủ.”

-Tại Nha Trang (Khánh Hòa), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục khẳng định: “Giữ vững chủ quyền lãnh thổ và giữ vững hoà bình, ổn định ở biển Đông là những vấn đề mang tính toàn cục. Việc xử lý các vấn đề nảy sinh ở Biển Đông cần đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, trong chính sách đối ngoại hoà bình, độc lập tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá các quan hệ quốc tế; tránh để các thế lực phản động tìm cách lợi dụng, công kích, chống phá sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, xuyên tạc, chia rẽ quan hệ quốc tế giữa nước ta với các nước có liên quan.”

Báo chí quốc tế viết về Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Nhiều chính khách hàng đầu thế giới và các phương tiện thông tin đại chúng quốc tế đánh giá cao những cống hiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.

-Tạp chí World Bussiness bầu chọn ra 20 nhân vật hàng đầu về cải cách tại châu Á, trong đó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở vị trí thứ 5. Tờ World Bussiness nhận xét: Ông là nhà lãnh đạo Việt Nam đầu tiên sinh sau cách mạng tháng 8/1945, và là vị Thủ tướng trẻ nhất. Ông được bầu vào chức vụ Thủ tướng để tiếp tục chính sách cải cách kinh tế. Sau khi được chỉ định vào chức vụ thủ tướng, ông đã đặt ra hai ưu tiên hàng đầu là chống tham nhũng và giúp kinh tế Việt Nam phát triển một cách ổn định.

– Sau khi Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 17 tại Hà Nội kết thúc, tờ Thời báo Nhật Bản bình luận về một trong những thành công lớn nhất của Việt Nam trong vai trò kết nối ASEAN với quốc tế chính là việc đưa Mỹ và Nga tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS). Và để có được thành công này là do một phần đóng góp điều hành linh hoạt, khéo léo của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng.

– Tờ The Nation của Thái Lan thì gói gọn bài viết nêu quan điểm của mình trong tít lớn chủ điểm : “Vai trò lãnh đạo ASEAN của Việt Nam là bài học cho tất cả” (Vietnam’s asean leadership has provided lessons for all).

Bản lĩnh người đứng đầu ngọn sóng gió

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người nắm giữ cương vị điều hành Chính phủ, cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất. Đây là nơi quản lý việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của Nhà nước. Bảo đảm hiệu lực của bộ máy Nhà nước từ Trung Ương đến cơ sở. Và bởi lẽ, sự thành công hay không của Chính phủ có thể được cảm nhận, đo lường một cách hữu hình và cụ thể, qua góc nhìn của từng người dân.

Con đường trước mắt của Đảng, Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chắc chắn sẽ còn nhiều chông gai. Bởi việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế sẽ đụng chạm không ít đến những nhóm lợi ích, thậm chí có thể gây ra những cú sốc và tổn thương không nhỏ. Con đường ấy đòi hỏi Đảng, Nhà nước và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một quyết tâm, một bản lĩnh quyết liệt không chỉ trong lời nói.

Bạch Dương

TT Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo quyết liệt bảo vệ rừng ở Tây Nguyên

Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các bộ, ngành và các tỉnh Tây Nguyên quyết liệt tập trung ngăn chặn nạn phá rừng.

Chiều 17/7, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nguyên và vùng phụ cận.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng 6 tháng đầu năm nay vùng Tây Nguyên vẫn duy trì được sản xuất kinh doanh với mức tăng trưởng GDP bình quân 12,8%; xuất khẩu tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái; đào tạo nghề cho 16.000 người và giải quyết việc làm trên 52.000 lao động.

Các tỉnh khu vực Tây Nguyên tiếp tục đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực của vùng Tây Nguyên trong những năm qua

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực của vùng Tây Nguyên trong những năm qua

Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đang tích cực xây dựng một số đề án quan trọng để tập trung chỉ đạo liên quan đến phát triển giao thông vận tải vùng Tây Nguyên đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; cơ chế đặc thù để huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông; đánh giá về quy hoạch phát triển thủy điện; cơ chế, chính sách khôi phục và quản lý rừng bền vững; hỗ trợ tín dụng, thu mua để phát triển bền vững cà phê cũng như tập trung giải quyết vấn đề “Hà Mòn”…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực của vùng Tây Nguyên trong 10 năm qua đã phát triển nhanh và toàn diện trên các lĩnh vực. Tuy nhiên Tây Nguyên vẫn còn là vùng nghèo và phát triển chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế. Toàn vùng hiện còn tới 21% tỷ lệ hộ nghèo, trong đồng bào dân tộc tỷ lệ hộ nghèo bình quân lên tới 40%…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các bộ, ngành và các tỉnh Tây Nguyên quyết liệt tập trung ngăn chặn nạn phá rừng gắn với tiến hành quy hoạch lại rõ và phù hợp diện tích từng loại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng kinh tế để quản lý đầu tư và sản xuất hiệu quả; nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù và phương án cụ thể để Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất cà phê lớn nhất cả nước, đồng thời phát triển chế biến và thị trường tiêu thụ; tính toán mở rộng diện tích trồng cây cao su nhằm nâng cao thu nhập ổn định cho người dân.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan, các tỉnh vùng Tây Nguyên kiểm tra các dự án thủy điện trên địa bàn phải đảm bảo thực hiện đúng công tác tái định cư; đảm bảo môi trường liên quan đến trồng lại rừng, quy trình vận hành hồ chứa và quản lý chặt chất lượng, an toàn hồ đập. Ban Chỉ đạo Tây nguyên tính toán chính sách và cách thức để giải quyết vấn đề di dân tự do.

Thủ tướng giao Bộ kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính ngay trong tháng tới báo cáo nguồn vốn để tập trung đầu tư các công trình giao thông huyết mạch của vùng Tây Nguyên, nhất là dồn sức nâng cấp ngay đường 14.

Thủ tướng cũng đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cùng lãnh đạo các tỉnh trong khu vực lên phương án và chính sách để tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt bằng hành động, dự án và cách làm cụ thể nhằm giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vũng mạnh, nhất là tại buôn làng gắn với thực hiện tốt trên thực tế chính sách dân tộc, tôn giáo, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, góp phần đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội…

Cũng tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương đã định hướng giải quyết một số đề xuất, kiến nghị của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và các tỉnh trong vùng liên quan đến Quy hoạch tổng thể phát triển KTXH vùng Tây Nguyên đến năm 2020; xây dựng bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù; nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải, thủy lợi…

Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày thương binh liệt sỹ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương đã đến đặt vòng hoa và dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Đắk Lắk.

Nguyễn Tấn Dũng – Chính trị gia hiện đại đầu tiên của Việt Nam

Đó là nhận xét của các nhà đầu tư nước ngoài, các chuyên gia kinh tế về Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong việc đưa kinh tế Việt Nam bắt đầu giai đoạn phục hồi mới.

Với hai công cụ là tiền tệ và tài khóa, nền kinh tế của Việt Nam đã hoạt động tốt trong 6 tháng đầu năm 2012 trong bối cảnh các nền kinh tế Châu Á tăng trưởng chậm, Châu Âu và Mỹ vẫn đang xấu đi từng ngày.

Nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất và bắt đầu có xu hướng phát triển tốt. GDP quý I/2012 đạt 4%, quý II/2012 đạt 4,66%. Tính chung, tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm 2012 ước đạt 4,38%, trong khi lạm phát chỉ khoảng 3% (thấp nhất trong 3 năm).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được các nhà đầu tư nước ngoài, các chuyên gia kinh tế nhận xét là chính trị gia hiện đại đầu tiên của Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được các nhà đầu tư nước ngoài, các chuyên gia kinh tế nhận xét là chính trị gia hiện đại đầu tiên của Việt Nam.

Tốc độ tăng giá bắt đầu xu hướng giảm ngay từ tháng 7/2011 và liên tục giảm trong 6 tháng đầu năm nay. Trong đó, CPI tháng 6 tăng 2,52% so với cuối năm ngoái và tăng 6,9% so với cùng kỳ. Tổ chức đánh giá mức độ khả tín Standard & Poor’s đã nâng mức khả tín của Việt Nam từ tiêu cực lên ổn định vì cho rằng chính phủ đã có những biện pháp thắt chặt tài chính thành công.

Giống như Ấn Độ và Trung Quốc, Việt Nam buộc phải hạ lãi suất quyết liệt và chấp nhận tăng trưởng chậm để kiềm lạm phát và kích cầu cho nền kinh tế trong nước. Mặt bằng lãi suất Việt Nam đồng đã giảm đáng kể, lãi suất cho vay các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ phổ biến ở mức 12-13% một năm, cho vay sản xuất kinh doanh khác ở mức 14-17,5%… Tỷ giá cơ bản ổn định, thanh khoản ngoại tệ toàn hệ thống được cải thiện, nguồn cung ngoại tệ dồi dào do xuất khẩu tăng cao, cán cân thanh toán quốc tế thặng dư khá lớn, dự trữ ngoại hối được cải thiện.

Chỉ số phát triển doanh nghiệp bắt đầu có tín hiệu sáng sủa với số doanh nghiệp phải giải thể đã bắt đầu giảm khoảng 10% vào tháng 5, hàng tồn kho có xu hướng giảm dần, từ 34,9% của tháng 3 xuống lần lượt 32,1% và 29,4% trong tháng 4 và 5.

Trong 6 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt trên 53,1 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước.

“Kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm cho thấy triển vọng 6 tháng cuối năm sẽ có tăng trưởng, chuyển biến tốt hơn”, các báo của Việt Nam dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc họp diễn ra đầu tháng 7 tại Hà Nội.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng có cơ sở để tin rằng kinh tế Việt Nam phục hồi. Không rơi vào trạng thái “bế tắc” như năm 2011, để hỗ trợ nền kinh tế, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã có một loạt quyết sách được các chuyên gia kinh tế đánh giá như là một sự đổi mớí. Theo đó, mặc cho nền kinh tế ‘kêu than’ dữ dội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trương chỉ tăng tổng cầu trong kế hoạch chứ không phá kế hoạch, chỉ hỗ trợ thị trường chứ không cứu doanh nghiệp bằng biện pháp hỗ trợ lãi suất như năm 2009.

Mặc dù tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong 3 năm qua song Việt Nam sẽ tiếp tục dành ưu tiên cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Bởi theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô không chỉ cho năm 2012 mà còn cho cả các năm tiếp theo. Đây cũng là nền tảng để duy trì tăng trưởng và phát triển bền vững. Đồng thời, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý; thúc đẩy tăng trưởng nhưng phải đạt yêu cầu không gây bất ổn kinh tế vĩ mô, không làm lạm phát cao trở lại, không vì tăng trưởng mà để lạm phát cao cho những năm tiếp theo.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ, phù hợp với các cân đối vĩ mô, điều hành ổn định tỷ giá. Thủ tướng chỉ rõ, cần linh hoạt trong xử lý nợ xấu; khẩn trương cơ cấu lại nợ, cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém; điều hành lãi suất theo lạm phát mục tiêu (7-8%); nhanh chóng khơi thông dòng vốn để các doanh nghiệp dễ tiếp cận.

Một quyết sách đúng đắn khác của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang nhận được sự đồng thuận cao đó là : cần tìm mọi giải pháp hỗ trợ cho sản xuất, trong đó có tăng tín dụng, giải ngân hết số vốn đã bố trí; ưu tiên tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Đặc biệt là việc nhanh chóng tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế “đầu tàu”, các doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ “xương sống” của nền kinh tế.

Sự yếu kém, thiếu minh bạch trong việc quản lí các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam thời gian qua đã làm nảy sinh các vụ tai tiếng như Vinashin, Vinalines. Song không thể phủ nhận vai trò “rường cột” của các doanh nghiệp này trong mô hình phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng những sai phạm tại Vinashin, Vinalines đã được xử lý nghiêm minh và không nên vì vậy phủ nhận toàn bộ công sức của doanh nghiệp nhà nước. Còn theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến năm 2010, chỉ có 20% số doanh nghiệp Nhà nước lỗ và hòa vốn còn lại 80% có lãi. Số tiền lãi nộp cho ngân sách hàng năm đều tăng.

Vấn đề cốt lõi để Việt Nam chuyển biến “gánh nặng doanh nghiệp nhà nước” đó là những chế tài mạnh hơn buộc các doanh nghiệp công khai, minh bạch thông tin và kiểm toán bắt buộc hàng năm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết hiện Bộ này đang phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi Nghị định 132/2005/NĐ-CP để làm rõ hơn quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu vốn nhà nước trình Chính phủ xem xét vào đầu tháng 7.

Những tín hiệu tốt từ nền kinh tế Việt Nam được các chuyên gia quốc tế nhìn nhận có vai trò rất lớn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Chất lượng quản lí kinh tế vĩ mô của Việt Nam trên thực tế đã được cải thiện rất nhiều từ sau Nghị Quyết 11 do ông chủ trì chỉ đạo thực hiện xuyên suốt từ 2011 tới nay .

Nền kinh tế Việt Nam đã bước vào một quĩ đạo ổn định hơn. Các yếu tố gây mất cân bằng đã được xác định và khắc phục bằng các tổ hợp chính sách. Những tiến triển này rõ ràng đã tăng sự tín nhiệm của các nhà đầu tư đối với thị trường Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được các nhà đầu tư nước ngoài, các chuyên gia kinh tế nhận xét là chính trị gia hiện đại đầu tiên của Việt Nam, ông là người theo mẫu hình Lý Quang Diệu, người đã hiện đại hóa đất nước Singapore và đặt kỳ vọng ông cũng sẽ làm được điều đó với đất nước Việt Nam.

Lee Moon-shik (Dantri)

TT Nguyễn Tấn Dũng: Hội Luật gia Việt Nam cần tiếp tục phát huy truyền thống

Thủ tướng đề nghị Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác đối ngoại, không chỉ tăng cường sự hiểu biết mà còn bày tỏ quan điểm, đấu tranh bảo vệ đường lối chính sách, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Chiều 16/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì buổi làm việc với Trung ương Hội Luật gia Việt Nam về kết quả thực hiện các biện pháp đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội theo Chỉ thị 06 ngày 9/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ.

57 năm xây dựng và phát triển, đến nay Hội Luật gia Việt Nam có tới 46.000 hội viên; 63 Hội luật gia tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trên 1.000 hội, chi hội luật gia cấp huyện, xã, phường, thị trấn và Chị hội trực thuộc Trung ương Hội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh. – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

11 năm thực hiện các biện pháp đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động theo Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ, Hội Luật gia Việt Nam đã tích cực thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp; đóng góp ý kiến xây dựng 118 dự án luật, pháp lệnh, nghị định, Hội luật gia các tỉnh cũng tham gia xây dựng trên 38.000 văn bản quy phạm pháp luật.

Các cấp hội luật gia đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách, pháp luật cho trên 31 triệu lượt người; tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý gần 2,5 triệu vụ việc. Hội Luật gia Việt Nam còn phối hợp với các Bộ, ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế…

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao truyền thống tốt đẹp, bước tiến tích cực và kết quả hoạt động mà Hội Luật gia Việt Nam đạt được trong thời gian qua, nhất là trong xây dựng Nhà nước pháp quyền, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân.

Thủ tướng đề nghị Hội Luật gia Việt Nam trên cơ sở Chương trình xây dựng luật pháp lệnh mà Quốc hội đã thông qua, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp xây dựng kế hoạch tham gia nhiều hơn, tích cực hơn công tác xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định và thông tư, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng chính sách, pháp luật.

Hội Luật gia các cấp, nhất là ở cơ sở tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, tích cực tham gia hòa giải, phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm.

Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ phối hợp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam xem xét tính hợp pháp của từng hồ sơ giải quyết các vụ việc khiếu kiện kéo dài để sớm xử lý dứt điểm đúng pháp luật, đảm bảo công bằng, thấu tình đạt lý.

Bộ Tư pháp phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tăng cường công tác đào tạo luật sư, trọng tài thương mại…

Thủ tướng mong muốn Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ rà soát đề xuất sửa đổi bổ sung hoặc bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, nhất là liên quan đến đất đai, quản lý xây dựng…

Thủ tướng cũng đề nghị Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác đối ngoại và quan hệ quốc tế, không chỉ tăng cường sự hiểu biết, trao đổi kinh nghiệm… mà còn bày tỏ quan điểm, đấu tranh bảo vệ đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam….

Cũng tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đại diện các Bộ, ngành liên quan đã định hướng giải quyết một số đề xuất, kiến nghị của Hội Luật gia Việt Nam.